Trượt đại học có phải là một thất bại?
Thất bại luôn có tính chất thời điểm, không phải mãi mãi. Thất bại chỉ thực sự đến khi ta lựa chọn phương án số hai. Đó là sự thỏa hiệp trước số phận, thỏa hiệp trước rủi ro, và quan trọng nhất là thỏa hiệp trước chính mình. Đây mới là thất bại nặng nề nhất, đau đớn nhất và khó sửa chữa nhất. Nó tạo ra bức tường vô hình kìm hãm ta và chặn mọi lối thành công của những ai sơ sẩy rơi vào bẫy.
Không ai trong cuộc đời lại chưa một lần vấp ngã. Khi một cánh cửa đóng lại, ắt sẽ có một cánh cửa khác mở ra nếu bạn đủ tỉnh táo để tìm thấy tay nắm cửa. Trượt đại học có thể là một thất bại, nhưng “bỏ cuộc chắc chắn là cách duy nhất để thất bại”, nhà văn người Mỹ Gena Showalter đã nói.
Đừng nản lòng khi người khác cười cợt trước cú ngã của bạn. Ánh mắt và miệng lưỡi của những kẻ thích dèm pha luôn có giá trị âm. Điều nên ghi nhớ là những lời an ủi chân thành, những lời khuyên và định hướng tương lai. Người hiểu biết sẽ nói: “Điều tôi muốn biết trước tiên không phải bạn đã thất bại ra sao mà là bạn đã chấp nhận nó như thế nào”.
Khi bạn thành công, mọi thất bại trước đó sẽ được coi là bài học.
Diễn giả Nguyễn Hữu Trí, người Việt Nam đầu tiên được cấp phép huấn luyện chương trình “7 thói quen để thành đạt” của tập đoàn Franklin Covey, Mỹ đã nói trong một bài diễn thuyết trên YouTube của anh rằng: “Nếu các bạn và vỡ nợ thì chỉ có chủ nợ đến tìm các bạn mà thôi; nếu các bạn đá thua trong trận chung kết đêm nay thì sáng ngày hôm sau, tất cả các tờ báo sẽ tung hô kẻ đã hạ gục các bạn ngày hôm trước. Cuộc đời chỉ có ngày Lễ tình nhân, không có ngày cho kẻ thất tình; chúng ta chỉ có ngày mừng các chiến thắng lịch sử, chứ không ai tung hô thất bại“.
Nếu thất bại, hãy chấp nhận điều đó bởi cuộc đời sẽ không đến để xoa dịu, ôm ấp, vỗ về bạn khi bạn thất bại. Cuộc đời chỉ ghi nhận bạn khi bạn nỗ lực để vượt qua thất bại mà thôi. Đừng từ bỏ đam mê của mình, hãy tìm ra con đường đến với tương lai. Mong rằng dù theo con đường nào thì các bạn cũng sẽ luôn ngẩng cao đầu tự hào rằng: Tôi đã và đang cố gắng hết sức.
Đại học không thể trả lời câu hỏi “Tôi là ai?”
“Mọi người có quan điểm sai lầm rằng ai cũng phải học đại học“, nhà sáng lập PayPal Peter Thieal đã nói. Đó là một thực tế vẫn còn tồn tại trong hiện nay. Cách đây khoảng hai thập kỷ, việc thi vào các trường đại học sau khi hoàn thành chương trình học THPT là một điều gì đó khá xa lạ, đặc biệt là đối với các học sinh con nhà không quá khá giả.
Sinh viên đại học đa số xuất thân từ các gia đình có điều kiện hoặc tầng lớp trí thức trong xã hội. Vậy nên trong làng, trong xã, trong phường đấy, ai thi đại học là mọi người đều biết cả. Nếu đậu đại học, đó là niềm tự hào của gia đình, dòng họ; còn nếu không, đó hẳn sẽ là một sự thất bại ê chề.
Cuộc sống con người ngày càng đầy đủ, cơ hội học tập càng được mở rộng hơn. Sẽ không khó hiểu nếu ngày nay trong mắt một số người thì đại học gần như là con đường duy nhất dẫn đến thành công, còn trượt đại học thì thật là tệ hại. Dưới sự ảnh hưởng của những người xung quanh, đại học dần trở thành một điều “bắt buộc”. Hậu quả là có những người chọn học một ngành đại học tạm bợ và dễ dàng đánh mất đam mê ban đầu của chính mình.
Chưa kể, nếu chọn sai ngành, điều này bi kịch hơn việc không học hay trượt đại học rất nhiều. Thực tế cho thấy, một bộ phận không nhỏ giới trẻ hiện nay chọn ngành theo xu hướng hoặc theo con đường đã được vạch sẵn của gia đình.
Khi bản ngã chưa đủ lớn, không thể trả lời cho câu hỏi “Tôi là ai?”, “Tôi cần gì?”, “Tôi có thể làm gì?”, ta dễ dàng đánh mất cái tôi và “sống bằng cái đầu của người khác”.
Đại học không phải con đường duy nhất
Nhà văn Nam Cao đã viết: “Cẩu thả trong bất cứ nghề nghiệp nào cũng là bất lương“. Nếu như chọn sai nghề, dễ gì ta có thể yêu và hết mình cẩn trọng với nó được.
Tuổi mười tám, chúng ta được phép sai lầm, nhưng không phải sai lầm nào cũng dễ dàng sửa chữa. Dĩ nhiên, chúng ta không ở đây để than vãn, đổ lỗi hay trách móc. Chúng ta ở đây để thống nhất với nhau rằng, cánh cửa đại học không thể thay đổi hoàn toàn cuộc đời ta. Đại học – suy cho cùng cũng chỉ là một con đường, còn thành công thì không giới hạn ngã rẽ.
Havard, Yale, Cambridge hay Oxford không tạo ra những Bill Gates, Mark Zuckerberg hay bất kì một vĩ nhân nào. Những người thành công như Bill Gates đã từng bỏ học, ông chủ Facebook – Mark Zuckerberg đã bỏ học Đại học Harvard để theo đuổi đam mê của mình và trở thành tỉ phú khi còn rất trẻ. Ông Đặng Lê Nguyên Vũ – người tạo ra đế chế cà phê Trung Nguyên đã gạt qua tấm bằng Đại học Y để khởi nghiệp bằng chính nông sản của quê hương… và danh sách ấy vẫn còn kéo dài mãi.
Thành công cần nhiều yếu tố hơn là điểm số hay IQ. Nó bắt nguồn từ đam mê, phát triển bằng tài năng, cứng cáp nhờ học hỏi và vụt sáng khi có cơ hội.
Đại học không dạy cho bạn đam mê – và dĩ nhiên, không ai có thể dạy chúng ta điều này. Chúng ta sống trong một xã hội và bị ràng buộc bởi các mối quan hệ nhưng suy cho cùng, mỗi người đều là một riêng. Ta độc lập và khác biệt. Ta có bản ngã cá nhân và đam mê của riêng mình nhưng không phải ai cũng có thể tìm thấy nó. Đừng lầm tưởng đại học sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi “Tôi là ai”, vì chỉ có chính bạn mới có thể đi tìm được lời giải đáp.
Tuy vậy, đại học là một bước đệm để chúng ta tìm ra đam mê và con đường theo đuổi đam mê, tìm ra những tiềm năng chưa được phát hiện trong bạn. Tất nhiên, không phải bỏ học là thành công.
Xin nhắc lại rằng, đại học là môi trường giáo dục chuyên nghiệp mà nếu chọn đúng, bạn sẽ có cơ hội học tập và phát triển rất tốt. Những người được liệt kê ở trên, họ thành công vì họ bỏ đại học chứ không hề bỏ học.
*Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả. Còn ý kiến của bạn như thế nào, xin hãy để lại bình luận phía dưới!
Theo Nhật Chung – Báo Dân trí, Sưu tầm: Thái Bình